Khi dệt may tăng tỷ lệ nội địa hóa
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tính đến hết tháng 11/2009, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 8,2 tỷ USD; riêng tuần đầu của tháng 12 đạt trên 200 triệu USD. Với tiến độ này, dự kiến khả năng cả năm chỉ đạt 9,1 tỷ USD, bằng con số thực hiện của năm 2008.
Như vậy, xuất khẩu dệt may tháng 12 phải cố gắng đạt 900 triệu USD, tương đương với tháng đạt kim ngạch cao nhất của năm là tháng 5/2009. Nếu xuất khẩu cả năm đạt 9,1 tỷ USD thì phần xuất siêu của dệt may sẽ đạt khoảng trên 4 tỷ USD; riêng Vinatex xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với năm 2008 (năm 2008 đạt 1,7 tỷ).
Tỷ lệ nội địa hóa tăng
Trước ý kiến của Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu về dự kiến của ngành dệt may vài tháng trước là sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 khoảng 9,2 tỷ USD, ông Lê Tiến Trường lý giải, một đặc thù của năm 2009 là giá xuất khẩu thấp hơn so với năm 2008. Chẳng hạn, riêng giá xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ 11 tháng đầu năm 2009 đã giảm tới 18%, cho nên để giảm kim ngạch vào Hoa Kỳ 40% thì thực chất là sản lượng đã phải tăng 13 – 14%. Chính do giảm giá nên 1 tỷ USD xuất khẩu của năm 2009 quy đổi phải tương đương với 1,1 tỷ USD của năm 2008.
Cũng theo đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2009, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ đạt 42 – 43% so với năm 2008 chỉ đạt 37%. Đây là điểm khác biệt so với những năm trước đây. Cụ thể, xuất khẩu dệt may 11 tháng đầu năm 2009 tuy giảm 1% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng toàn bộ giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất xuất khẩu của ngành đã giảm từ 12 – 16%. Tổng cộng cả 11 tháng, lượng nhập khẩu để sử dụng cho sản xuất dệt may xuất khẩu tương đương 4,7 tỷ USD trong số 8,2 tỷ USD xuất khẩu.
Một điểm đặc biệt nữa là xuất khẩu dệt may sang thị trường Nhật Bản tăng cao, tính đến thời điểm này đã tăng 16 – 17%. Với tỷ lệ nội địa hóa cao do sử dụng vải có nguồn gốc của Việt Nam sản xuất nên được hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), do vậy đã mang lại nhiều giá trị cho ngành.
Ba chương trình chiến lược
Đề cập những chương trình góp phần vào gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành trong năm 2009, ông Lê Tiến Trường cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành dệt may triển khai 3 chương trình chiến lược theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ về vải, bông và đào tạo. Nhưng đến thời điểm này, dù Bộ Công Thương đã có quyết định nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa có cơ chế tài chính cho 3 chương trình trên.Tuy vậy, ngành dệt may vẫn thực hiện 3 chương trình này bằng nguồn tự có.
Riêng đối với chương trình bông, diện tích trồng bông mới trong năm 2009 của ngành đã đạt 8.000 ha (tăng thêm hơn 3.000 ha so với dự kiến, năm 2008 cũng chỉ đạt gần 5.000 ha). Sản lượng bông thu hoạch của niên vụ 2009 được khoảng hơn 3.000 tấn của Công ty TNHH MTV bông Việt Nam cũng đã được đặt tiêu thụ hết, chỉ còn lại 1.000 tấn cuối cùng để điều tiết cho một số doanh nghiệp làm sợi chính trong lúc giá bông thế giới đang biến động, thay đổi hàng ngày. Một thuận lợi là năm nay giá bông tăng cao hơn nên ngành bông kinh doanh có lãi, với giá bông từ 29 – 32 nghìn/kg, ngành bông đang làm ăn rất hiệu quả.
Trong chương trình bông cũng có chương trình làm các trang trại mẫu, trang trại có tưới để đảm bảo xác định năng suất bông. Tính đến thời điểm này, với 3 trang trại của Công ty TNHH MTV bông Việt Nam và Viện Nghiên cứu và phát triển cây bông ở Ninh Thuận có tổng diện tích 80 ha thì trong niên vụ 2009, sản lượng thu hoạch được so với trồng bông thông thường tăng khoảng 70%, tức là đạt khoảng 2,7 – 2,8 tấn/ha.
Ông Lê Tiến Trường bình luận: “Với sản lượng này, chỉ cần bông 1.3 – 1.4 thôi thì đã có lãi rồi, và nông dân có thể kết hợp trồng xen canh 1 vụ bông với 1 vụ cây nông nghiệp khác, chắc chắn doanh thu trên 1 ha đạt 60 – 65 triệu đồng”. Nhưng nông dân phải đảm bảo điều kiện có tưới hợp lý đúng như chương trình dự kiến. Từ kết quả đó, ngành dệt may đang dự kiến sử dụng mô hình này để nhân rộng lên quy mô 10.000 ha trên nông trường Ea Súp – Tây Nguyên – ông Trường cho biết thêm.
Về chương trình vải, trong năm 2009, ngành dệt may không có chương trình nào dành cho nhuộm hoàn tất, chỉ có chương trình làm vải mộc. Theo đó, tổng sản lượng vải mộc năm 2009 tăng gần 80 triệu mét, nhưng đều là mở rộng quy mô sản xuất của các công ty dệt hiện có (cụ thể tại Công ty Cổ phần dệt Việt Thắng, Công ty dệt Nam Định, Công ty dệt Vĩnh Phú là chính), chứ không có thêm nhà máy mới nào đi vào hoạt động. Mặc dù có 2 chương trình đầu tư mới hợp tác với Hàn Quốc nhưng đến nay mới triển khai trở lại sau khi có được nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Các bài khác
- Nick Vujicic chơi bóng giao lưu tại TP HCM (25.05.2013)
- Hàng dệt may đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tháng 8 năm 2009 (26.12.2012)
- Dệt may được mùa xuất khẩu, đừng “bỏ quên” thị trường nội địa (18.12.2012)
- Ngành Dệt May Việt Nam Từ Nay Đến 2010: Nhiều Áp Lực (18.12.2012)
- Xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu (18.12.2012)