Ngành Dệt May Việt Nam Từ Nay Đến 2010: Nhiều Áp Lực
Chỉ còn 3 tháng nữa, ngành Dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với rào cản kỹ thuật của thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu (XK) hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam: Đó là đạo luật bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi ngành dệt may gấp rút chạy đua với thời gian để kịp đáp ứng.
Vượt qua rào cản kỹ thuật: Không đơn giản
Không chỉ riêng có Mỹ đưa ra những rào cản kỹ thuật đối với ngành Dệt may VN, mà hầu hết các nước có hàng VN nhập khẩu đều đưa ra những rào cản kỹ thuật, khiến dệt may VN phải đối đầu với nhiều thách thức. Ví dụ như với thị trường Nhật Bản (đứng sau thị trường Mỹ và EU), rào cản kỹ thuật là việc yêu cầu các sản phẩm phải có chứng chỉ sạch và thân thiện với môi trường.
Mỹ là thị trường XK dệt may lớn nhất của VN, chiếm tới 57% thị phần, trong khi cả 1 thị trường rộng lớn như EU chỉ là 18 %. Năm 2009, ngành Dệt may VN đặt mục tiêu kim ngạch XK khoảng 9,2 tỷ USD, trong đó sẽ đạt trên 5 tỷ USD ở thị trường Mỹ. Con số này vào năm 2010 sẽ là khoảng 10,5 tỷ USD.
Tuy vậy, ngành Dệt may VN đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật mới trong việc bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Theo đạo luật này, các lô hàng XK vào Mỹ phải có giấy kiểm nghiệm của bên thứ 3 xác nhận sản phẩm sử dụng nguyên liệu đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho người tiêu dùng.
Theo rào cản kỹ thuật này, VN phải có 1 phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn để được phía Mỹ công nhận và cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó phải tiếp tục tăng tỷ lệ sản xuất nguyên vật liệu trong nước, giảm nhập siêu.
Ngành Dệt may VN cũng được một số doanh nghiệp Mỹ cảnh báo rằng nếu không sớm nâng năng lực làm hàng chất lượng cao, sẽ khó cạnh tranh được với các đối tác khác đến từ các nước Châu Á.
Áp lực này khiến ngành Dệt may phải xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn sản phẩm dệt may phù hợp và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm dệt may để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quản lý chất lượng và khắc phục các rào cản kỹ thuật.
Được biết, theo Viện Kinh tế Kỹ thuật Dệt May thống kê, phần lớn các thiết bị nghiên cứu, thử nghiệm chất lượng hàng dệt may được đầu tư từ những năm 90, nay đã cũ và lạc hậu.
Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt-may VN cho biết: "Ngành Dệt may đang phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường nơi sản xuất, xây dựng thêm các khu công nghiệp dệt nhuộm có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn tại một số địa phương như Thái Bình, Nghệ An, Trà Vinh... Ðồng thời xây dựng phòng thí nghiệm sinh thái tại Viện dệt may, làm cơ sở cấp chứng chỉ an toàn cho hàng xuất khẩu và kiểm tra các loại hàng hóa, bảo đảm an toàn cho người sử dụng tại Việt Nam cũng như tại các thị trường nhập khẩu. Ngoài ra là việc xây dựng và quản lý các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm và các hàng rào kỹ thuật cần thiết, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và thị trường trong nước".
Nan giải bài toán vùng nguyên liệu
Hiện nay, khó khăn và cũng là áp lực lớn nhất của ngành Dệt may là chưa tạo được nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Nguyên liệu phục vụ cho ngành Dệt may được nhập khẩu tới 90%. Do đó, tuy có kim ngạch XK cao nhưng tỷ lệ thu về lại thấp, chỉ ước khoảng 35-38% tổng kim ngạch. Do đó, ngành dệt may phải quy hoạch vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng bông.
Mục tiêu chiến lược của ngành Dệt may đặt ra đến năm 2010 là phải đạt sản lượng 20.000 tấn bông xơ, năm 2015 đạt 40.000 tấn. Tuy nhiên hiện nay, diện tích trồng bông tại VN lại trông không đồng đều, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên (42%), vùng duyên hải miền Trung (33%), miền Bắc (20%) và Đông Nam bộ (5%). Theo thống kê cho thấy trong niên vụ niên vụ 2007-2008 diện tích trồng bông trên cả nước là 7.446ha cho sản lượng 2.709 tấn, đến niên vụ 2008-2009 diện tích trồng bông giảm mạnh còn dưới 3.000 ha. Ngành dệt may đã khuyến khích và quy hoạch tăng thêm diện tích trồng bông. Theo kết hoạch niên vụ 2009-2010 ước đạt khoảng 10.000 nghìn tấn. Tuy vậy con số này vẫn còn xa với mục tiêu 20.000 tấn ngành đã đặt ra.
Các bài khác
- Nick Vujicic chơi bóng giao lưu tại TP HCM (25.05.2013)
- Hàng dệt may đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tháng 8 năm 2009 (26.12.2012)
- Khi dệt may tăng tỷ lệ nội địa hóa (18.12.2012)
- Dệt may được mùa xuất khẩu, đừng “bỏ quên” thị trường nội địa (18.12.2012)
- Xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu (18.12.2012)